5 thg 3, 2012

Nông dân xin ra khỏi GAP

Written By Namkna on 5 thg 3, 2012 | 08:45

Nông dân xin ra khỏi GAP
TT - Trong khi chính quyền địa phương và các nhà khoa học ra sức kêu gọi nông dân tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc VietGAP (tiêu chuẩn toàn cầu và tiêu chuẩn VN về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc) thì nông dân đang làm GAP lại đòi trở lại sản xuất bình thường. Vì sao?

Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) là một trong những vùng chuyên canh được cấp chứng nhận GlobalGAP đầu tiên ở ĐBSCL năm 2008. Bao nỗi vui mừng, tự hào là “nông dân GAP” của họ giờ chẳng còn nữa. Thay vào đó là sự thất vọng hiện rõ trên gương mặt của những nông dân tiến bộ này.
Cực khổ mà chẳng được gì
"HTX chỉ được chứng nhận GlobalGAP một năm. 2-3 năm nay không có tiền tái chứng nhận vì nông dân không có tiền hùn vô làm. Trong năm 2011, HTX cũng không xuất khẩu được vú sữa Lò Rèn mà chủ yếu bán cho thị trường trong nước"
Ông Nguyễn Văn Ngàn (chủ  nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim)
Ông Nguyễn Ngọc Điều ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành là người xung phong vào mô hình trồng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim tiêu chuẩn GlobalGAP. “Tôi nghe nói làm GAP sẽ xuất khẩu dễ, giá cao, nông dân có nhiều tiền nên đăng ký liền dù biết là làm không hề dễ. Vậy mà bây giờ vú sữa GlobalGAP đổ xá ngoài chợ bán đồng giá với vú sữa khác” - ông Điều bức xúc.
Ông Điều có 3.000m2 trồng vú sữa theo tiêu chuẩn GlobalGAP và tham gia làm xã viên Hợp tác xã (HTX) vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Trồng theo tiêu chuẩn này phải thực hiện cả trăm yêu cầu rất khắt khe. Biết bao công sức, mồ hôi của gia đình ông Điều đổ xuống vườn vú sữa cả năm trời nhưng khi thu hoạch thương lái mua vú sữa GlobalGAP bằng giá vú sữa bình thường.
Thế là ông Điều quyết định xin rút khỏi mô hình GlobalGAP, trở lại canh tác theo kiểu truyền thống. “Ba năm qua tôi không còn lao tâm khổ tứ với vườn vú sữa như hồi còn làm GlobalGAP nữa. Tới lúc thu hoạch kêu thương lái vô bán xác cả vườn, khỏe re. Giá vẫn y như giá vú sữa GlobalGAP chứ đâu có tệ hơn. Hái xong họ còn bón phân, xịt thuốc luôn cho mình. Hồi làm GlobalGAP, mọi thứ mình phải làm rồi ghi chép cẩn thận, cực khổ lắm” - ông Điều nói.
Tương tự, nông dân Võ Tấn Hùng ở cạnh nhà ông Điều cũng trồng 4.000m2 vú sữa theo tiêu chuẩn GlobalGAP đúng một năm rồi xin rút! Ông Hùng giải thích: “Khi vú sữa nhà tôi trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP thì HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim chỉ lựa mua khoảng 30% sản phẩm đẹp, còn lại 70% chúng tôi phải bán cho thương lái với giá bèo”.
Năm 2009 là thời điểm đáng nhớ nhất đối với 26 hộ nông dân là xã viên của HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) vì 24ha bưởi của mình được chứng nhận GlobalGAP. Càng mừng hơn là ngay sau đó có gần 600 tấn bưởi Năm Roi của HTX Mỹ Hòa được xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ và một số nước châu Âu.
Thế nhưng, kể từ năm 2010 đến nay sản lượng bưởi xuất khẩu cứ giảm dần. Cả năm 2011 chỉ còn 36 tấn. Từ đầu năm 2012 đến nay chỉ mới xuất sang Hà Lan 15 tấn. Và chuyện gì đến cũng sẽ đến, 23 xã viên đã xin ra khỏi HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, từ bỏ GlobalGAP để trở về với cách làm truyền thống. Chỉ còn ba người cố gắng theo đuổi mô hình GAP. Tuy nhiên tình hình có vẻ không sáng sủa cho lắm khi chủ nhiệm HTX là ông Nguyễn Văn Nghĩa nói bây giờ chưa biết lấy đâu ra tiền để tái chứng nhận GlobalGAP.
Các xã viên này nói dù canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP nhưng thực tế chỉ bán được 20-30% sản lượng giá cao hơn thị trường chút ít, còn lại 70-80% phải bán giá bình thường. Doanh nghiệp xuất khẩu chỉ chọn mua bưởi to, đẹp nhất và bỏ lại bưởi kích cỡ nhỏ hơn. Ngoài ra HTX Mỹ Hòa cũng không bao tiêu sản phẩm cho xã viên khi thu hoạch rộ, nên dù làm GlobalGAP nhưng họ vẫn phải đem bán xô ngoài chợ.
Không có tiền, đừng đòi GAP
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, chi phí tái chứng nhận cho hơn 23ha bưởi Năm Roi khoảng 7.000 USD. Hiện nay ông đang ráo riết chạy xin tài trợ, xin hỗ trợ của tỉnh để làm thủ tục tái chứng nhận vì chứng nhận cũ đã hết hạn từ tháng 9-2010.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện ở VN có khoảng sáu tổ chức, đơn vị được quyền chứng nhận GlobalGAP cho các loại nông sản như: Công ty TNHH SGS Việt Nam, Công ty TUV SUD PSB Việt Nam, Tổ chức chứng nhận IMO (Thụy Sĩ), Trung tâm Chứng nhận phù hợp QUACERT và Công ty cổ phần Giám định cà phê và hàng hóa xuất khẩu... Riêng việc chứng nhận VietGAP, hiện nay có đến 11 tổ chức được quyền cấp giấy cho nông dân.
Giá thẩm định, chứng nhận mỗi nơi mỗi khác. TS Nguyễn Hồng Thủy, phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và công nghệ sinh học thuộc Sở Khoa học - công nghệ Tiền Giang, cho biết phí chứng nhận GlobalGAP cho khoảng 20ha vườn cây ăn trái dao động ở mức 3.100-3.200 USD. Riêng phí chứng nhận VietGAP khoảng 40 triệu đồng/20ha. Không chỉ phải bỏ ra số tiền lớn, nông dân còn mất thêm một năm ròng để thực hiện khoảng 70 tiêu chuẩn của VietGAP và 234 tiêu chuẩn của GlobalGAP trước khi các tổ chức nói trên thẩm định, cấp giấy chứng nhận.
Thời gian qua, đa số diện tích trái cây được chứng nhận VietGAP và GlobalGAP tại vùng ĐBSCL là do các doanh nghiệp tài trợ hoặc các viện, trường, chính quyền địa phương bỏ tiền ra làm nhằm mục đích lôi kéo nông dân tham gia. Thế nhưng ngặt một nỗi những chứng nhận GAP ấy chỉ có giá trị trong vòng một năm. Năm sau muốn tái chứng nhận thì nông dân phải tự bỏ tiền ra làm. “Chi phí cho lần tái chứng nhận cũng bằng với lần chứng nhận ban đầu. Do đó rất nhiều nông dân trong các mô hình, tổ hợp tác sản xuất hay HTX không có tiền để tái chứng nhận GAP nên họ đành buông xuôi” - TS Thủy nói.
Nông dân buông xuôi, trở lại cách làm truyền thống dẫn đến chất lượng trái cây giảm sút. Không thể phủ nhận việc canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP là xu thế tất yếu của nông nghiệp VN. Chỉ có như thế nông sản VN mới có thể tiến xa ra thị trường thế giới, tăng thêm giá trị và lợi nhuận cho nông dân, doanh nghiệp. Thế nhưng với cách làm theo kiểu hô hào, “đánh trống bỏ dùi” như hiện nay thì không thể trách nông dân trở lại kiểu canh tác truyền thống.
ĐBSCL hiện có khoảng 360.000ha trồng cây ăn trái. Hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre hiện có nhiều loại trái cây sản xuất theo quy trình GAP. Trong đó Tiền Giang có gần 300ha các loại trái cây đạt chứng nhận GlobalGAP và VietGAP như vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, lúa HTX Mỹ Thành, chôm chôm Tân Phong, dứa HTX Quyết Thắng, thanh long, nhãn và sơri Gò Công... Bến Tre có khoảng 300 hộ trồng trên 150ha cây trái theo mô hình GAP như nhãn Long Hòa, chôm chôm Tiên Phú, bưởi da xanh Phú Thành, bưởi da xanh Hòa Nghĩa, măng cụt Long Thới, bưởi da xanh Mỹ Thành An...
(ĐỨC TUYÊN - THÀNH BẮC - TTO)

Đăng nhận xét

- Cảm ơn ban đã xem bài viết các bạn thể để lại góp ý cho blog lớp mình ngày càng hoàn thiện hơn
- Để sử dụng biểu tượng mặt cười bạn bấm ký tự như hướng dẫn ở trên khung nhận xét :P