Họ đậu đại học. Không lâu sau đó, họ vắng mặt trên giảng đường ngày càng nhiều và không còn quan trọng việc có tốt nghiệp đại học hay không. Nhưng danh nghĩa sinh viên luôn được họ tận dụng triệt để…
Nghỉ học nhưng vẫn là… sinh viên
B.L (sinh viên năm 1 ĐH KHXH & NV) trúng tuyển đại học với số điểm trên 20. Đó là một điều đáng tự hào vì không phải ai cũng đậu với điểm như vậy.
Nhưng được một thời gian, B.L nghỉ học triền miên. Không còn ai thấy cô nàng bước vào giảng đường nữa. Đến kì thi vẫn thấy L đi thi nhưng môn có môn không. Dù vậy, B.L vẫn đem “cái mác” sinh viên của mình để xin việc làm.
Trong một thời gian ngắn, khi bạn bè đang “mài đũng quần” trên giảng đường thì B.L đã thử qua rất nhiều công việc: phục vụ, trực điện thoại, PG, bán hàng…
Cô nàng cho biết: “Nếu nói mình tốt nghiệp 12 thì rất khó tìm việc vì bây giờ ai ai cũng có bằng cấp 3 cả. Nhưng khi nộp hồ sơ xin việc, nhìn giấy trúng tuyển đại học với số điểm cao ngất thì họ đồng ý nhận mình ngay”.
Khi được hỏi tại sao lại nghỉ học trong khi tương lai đang rộng mở phía trước, B.L chia sẻ: “Học chán lắm. Mình chỉ may mắn khi được điểm cao thôi chứ không giỏi gì đâu.
Thi đại học lần thứ 3 mới đậu đấy. Học được vài buổi mới biết mình đã sai lầm, không hợp với môi trường học đường. Nhưng cái mác sinh viên đã giúp mình rất nhiều”.
Là sinh viên không đồng nghĩa với việc bạn được ỷ lại (Ảnh minh họa) |
Muốn chứng tỏ
V.T (SV năm 2 ĐH Luật) khá xinh đẹp nhưng nổi tiếng đua đòi. Là con nhà khá giả, không cần phải lo lắng chuyện tiền bạc nên từ khi vào đại học, V.T toàn tranh thủ cúp học để đi chơi với “hội quý tộc” của mình.
Trong nhóm chỉ có V.T là được học hành đến nơi đến chốn, lại là sinh viên trường Luật nên các bạn trong nhóm rất nể, bầu làm thủ lĩnh để tổ chức các cuộc vui chơi. Đâu ai biết rằng, V.T phải khó khăn lắm mới đậu vào một ngành bình thường trong trường, điểm khá thấp, và bắt đầu từ học kì 2 năm 1, V.T không đến trường nữa.
“Nhưng vậy thì đã sao, dù gì thì mình cũng đã có thẻ sinh viên nên tha hồ “khè” chúng bạn. Với tụi nó, sinh viên là giỏi rồi, vì mấy đứa bạn mình toàn học tới lớp 10, 11 thôi à”, V.T hồn nhiên kể.
Lúc nào trên bàn học P.A (sinh viên năm 2 ĐH Quốc Tế) cũng có những cuốn sách dày cộm nhưng…rất mới. P.A đến trường đều đặn, nhưng chỉ học nửa buổi rồi về nhà. “Mình đã chán học từ khi thi trượt vào trường mình thích, nhưng nếu thi lại thì chắc gì đã đậu?
Dù gì thì bây giờ cũng được làm sinh viên hẳn hoi rồi, người ta hỏi thì cũng đỡ ngại. Mình học lơ tơ mơ lắm, phải học lại nhiều môn lắm rồi, không biết 6 năm đủ để mình tốt nghiệp không”.
Được nhiều ưu đãi
Chỉ cần có thẻ sinh viên, bạn đã có thể được rất nhiều quyền lợi khi đi xe buýt, mua sắm, xem phim… Nhờ có thẻ sinh viên, bạn tiết kiệm được rất nhiều và có vô số thuận lợi. Đó cũng chính là lý do để nhiều bạn gắn cho mình cái mác sinh viên mặc dù kiến thức của họ vô cùng thiếu thốn và suy nghĩ cũng vô cùng hời hợt.
A.D (sinh viên năm 2 hệ cao đẳng, trường ĐH CN) nói: “Dù mình chỉ học cao đẳng thôi, nhưng khi nói là sinh viên trường ĐH, thì ai cũng nghĩ mình học ĐH cả, cũng thấy oai đấy chứ! Hiện tại mình đang tự lập, nhờ cái thẻ sinh viên mà mình cũng có nhiều thuận lợi đấy chứ, sinh viên nên rất được ưu đãi”.
Về lâu dài sẽ ra sao?
Lên đại học, thay vì chọn cách tự rèn luyện và nghiên cứu để trau dồi kiến thức, thành công dễ dàng hơn trong tương lai, thì họ lại quyết định chọn một ngã rẽ, và tự tin ở “cái mác” của mình. Nhưng vài năm nữa sẽ thế nào?
Họ không thể trở thành sinh viên mãi, khi cái mà các nhà tuyển dụng cần không chỉ là bằng cấp mà còn là trình độ chuyên môn. Thẻ sinh viên không thể giúp họ tìm được công việc ưng ý. Mọi danh nghĩa đều chỉ có giá trị tạm thời, khi bạn không dùng thời gian chứng minh được năng lực thì đó cũng chính là lúc bạn bị bỏ lại giữa cuộc đua.
theo muctim
Đăng nhận xét
- Cảm ơn ban đã xem bài viết các bạn thể để lại góp ý cho blog lớp mình ngày càng hoàn thiện hơn
- Để sử dụng biểu tượng mặt cười bạn bấm ký tự như hướng dẫn ở trên khung nhận xét :P