15 thg 12, 2011

NHỮNG LƯU Ý KHI TRỒNG DƯA HẤU

Written By Namkna on 15 thg 12, 2011 | 23:28

Xem hình

Một số lưu ý khi trồng dưa hấu F1 Trang Nông.
   NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI SẢN XUẤT DƯA HẤU ĐẶC SẢN TRANG NÔNG
1. Khoảng cách trồng đối với giống dưa hấu Hắc Long TN 284 như sau:
- Trồng hàng đôi cách hàng đôi 5 mét. Cây cách cây 0,5-0,55 mét.
- Mật độ trung bình khoảng 800 cây/1000m2.
2. Đối với các giống dưa hấu có dạng hình oval (như Xuân Lan TN 130, Tiểu Long TN 196, Bảo Long TN 467 và thành Long TN 522) và các giống dưa hấu có dạng trái dài (như Hắc Mỹ Nhân TN 308, Hắc Mỹ Nhân TN 386, Thanh Mỹ Nhân TN 286) nếu lấy trái thứ nhất và trái thứ hai trên dây chính (dây cái) tương ứng với trái thứ nhất trên dây chèo thì dạng trái hơi tròn ở giống có dạng trái oval và dạng trái không dài ở giống có dạng trái dài. Nếu trà dưa phát triển tốt, để cho dưa hấu có hình dạng trái đẹp (dạng trái thể hiện được đặc tính đặc trưng của giống đó) thì nên lấy trái thứ ba, thứ tư trên dây chính (dây cái) tương ứng với trái thứ hai, thứ ba trên dây chèo.
3. Đối với các giống dưa hấu trái tròn dài và Hắc Long TN 284: trước khi lấy trái (thụ phấn bổ sung) từ 20 – 25 ngày sau khi gieo nên bón phân NPK, vi lượng cân đối và đầy đủ để cây dưa hấu phát triển mạnh, dễ đậu trái, trái lớn nhanh, đẹp. Trước khi thụ phấn bổ sung nên hái trái (loại bỏ) tất cả những trái đã có trước đó; đang và sau khi thụ phấn bổ sung nên tiến hành ngay việc tuyển trái 1 dây (gốc) cho 1 trái đẹp (không nên để một dây mang hai trái) và bón phân nuôi trái như NPK, vi lượng đầy đủ để trái phát triển mạnh, đồng đều, đẹp, không bị túm đầu và đuôi.
4. Phân bón lót: nên bón thêm phân cá, phân tôm để cây phát triển tốt và chất lượng trái tăng lên: thịt giòn, ngon, ngọt.
 
NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI TRỒNG DƯA HẤU LAI (F1) TN 10 – TN 12

Dưa hấu TN 10 và TN 12 là giống lai F1 có cường lực phát triển rất mạnh, bộ lá to, ngọn dưa mập vượt dây nhanh, bộ rễ khỏe, kháng bệnh tốt, sức hấp thu phân bón rất mạnh. Trong thực tế ngoài đồng giống dưa hấu này khó đậu trái, vượt dây dài và nứt nổ trái sau khi tuyển trái. Do đó, công ty TRANG NÔNG đề nghị mấy biện pháp khắc phục sau:
1. Giảm lượng phân bón: lượng phân bón cho cả vụ bằng khoảng 80% so với sử dụng phân bón cho các giống khác.
2. Bón phân cân đối: bón phân cân đối có nghĩa là bón phân không quá dư thừa đạm, lân nhưng lại thiếu Kali.
a) Có màng phủ nông nghiệp (bạt nhựa, plastic): lượng phân đạm (N), lân P2O5, Kali (K2O) thường theo tỉ lệ 2-2-1 ở giai đoạn đầu (bón lót), thí dụ bón 50 kg NPK 20-20-25/1000m2 hoặc bón tương đương 17,4 kg DAP + 10,6 kg Urê + 6,7 kg Kali.
- Đến giai đoạn bón thúc đợt 1 (25 ngày SKG), chuẩn bị thụ phấn bổ sung lấy trái (30-34 ngày sau khi gieo) đề nghị bón theo tỉ lệ 1-1-1. Thí dụ bón 50 kg NPK 20-20-15 và 6,7 kg Clorua Kali hoặc bón tương đương 17,4 kg DAP + 10,6 kg Urê + 13,4 kg Clorua Kali/1000m2.
- Lần bón thúc đợt 2 (khoảng 38-40 ngày sau khi gieo) lúc chấm dứt thụ phấn bổ sung và tuyển trái, bón phân theo tỉ lệ 2-2-1: 25 kg NPK 20-20-15 để nuôi trái.
b) Không có màng phủ nông nghiệp: lượng phân áp dụng tương đương bón phân có màng phủ nông nghiệp nhưng phải chia nhiều đợt bón kết hợp bồi gốc và tưới phân.
3. Hạn chế hoặc không sử dụng kích thích tố vì chất kích thích tố sẽ làm cho vượt dây nhanh; nổ, nứt trái nhiều và chất lượng trái bị giảm như độ ngọt kém, súc ruột, bầm ruột, không bảo quản được lâu và vận chuyển xa sau khi thu hoạch.
4. Tưới nước theo định kì, không nên để cây dưa thiếu nước hoặc thừa nước dễ xảy ra nứt nổ trái ngoài đồng.
5. Thụ phấn bổ sung từ 6-9 giờ sáng. Không thụ phấn quá 9 giờ sáng.
6. Ngắt ngọn dây cái tạo 3 dây chèo (nhánh ngang) để hạn chế chiều dài của dây nên bấm ngọn dây cái lúc có khoảng 4-5 lá nhám (khoảng 10-12 ngày SKG) để tạo 3 dây chèo tốt nhất – thụ phấn lấy trái ở trái thứ 1 hoặc thứ 2 trên dây chèo – tuyển chọn trái, chỉ giữ lại một trái/1 cây.
7. Tuyển trái kỹ: chọn những trái phát triển cân đối, không sâu bệnh, cuống dài to, trái không bị méo, tì vết.
 
 
NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI TRỒNG DƯA HẤU TIỂU HẮC LONG HẠT LÉP TN 736

1. Thời gian sinh trưởng của dưa hấu F1 Tiểu Hắc Long hạt lép TN 736 là 72 – 75 ngày sau khi gieo.
2. Phải trồng một giống dưa hấu có hạt để lấy phấn bông đực thụ phấn bổ sung cho dưa hấu F1 Tiểu Hắc Long hạt lép TN 736.
3. Giai đoạn đầu dây dưa phát triển chậm, và phát triển rất nhanh từ trên 20 ngày SKG, do đó phải có chế độ đi phân cho hợp lý.
4. Bón phân cân đối NPK để tạo độ ngọt cao, chắc thịt (nên bón phân NPK 20 – 20 – 15, trước thu hoạch trái 10 ngày, bón thêm KCl khoảng 10kg/1000m2 để tăng độ ngon ngọt.
5. Không nên sử dụng kích thích tố.
 

Đăng nhận xét

- Cảm ơn ban đã xem bài viết các bạn thể để lại góp ý cho blog lớp mình ngày càng hoàn thiện hơn
- Để sử dụng biểu tượng mặt cười bạn bấm ký tự như hướng dẫn ở trên khung nhận xét :P