15 thg 12, 2011

MỘT SỐ CÔN TRÙNG GÂY HẠI TRÊN CÂY DƯA LEO

Written By Namkna on 15 thg 12, 2011 | 23:42

Xem hình

 Cây dưa leo (Cucumis sativus) là cây rau ăn quả được trồng ở nhiều nước trên thế giới, là mặt hàng xuất khẩu quan trọng ở nước ta. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến diện tích, năng suất và phẩm chất của dưa là sự phá hoại nghiêm trọng của một số đối tượng sâu bệnh hại chính. Để giúp bà con nông dân nhận biết đúng và sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả, xin giới thiệu một số côn trùng gây hại thường gặp như sau:

1/ Bù lạch: Thrips palmi.
    Đặc điểm nhận biết.
  Bù lạch thường gây hại nặng ở giai đoạn cây con trên nhiều loại cây như cà, đậu, ớt, dưa bầu bí.… Cơ thể con trưởng thành và con non rất nhỏ, con trưởng thành màu vàng đậm hoặc màu đen, cánh là những sợi tơ mảnh, cuối bụng thon. con non không cánh, hình dạng giống trưởng thành, màu xanh vàng nhạt. con trưởng thành di chuyển nhanh, đẻ trứng trong mô mặt dưới lá.
    Thành trùng và ấu trùng của bõ trĩ :
 
 
 Điều kiện phát sinh, gây hại.
Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô. Chúng gây hại nặng từ giai đoạn cây con đến ra hoa, đậu trái, làm cây chùn đọt, cây không vươn lóng, trái không phát triển.
Con trưởng thành và con non sống tập trung ở đọt non hay ở mặt dưới lá non, chích hút nhựa làm cho đọt bị xoăn lại, bọ trĩ kết hợp với rệp làm cho đọt non bị sượng ngẩn đầu lên cao (bắn máy bay hay đầu lân).
  Triệu chứng gây hại của bọ trĩ:
 Bù lạch kháng thuốc mạnh, bù lạch còn là môi giới truyền bệnh virus cho cây.
Bọ trĩ là môi giới truyền bệnh virus Cucumber Mosaic
- Bọ trĩ thường gây hại nặng ở vùng chuyên canh, nên trồng đồng loạt và tránh gối vụ, kiểm tra ruộng dưa thật kỹ để phát hiện sớm ấu trùng bọ trĩ..
  Vòng đời: trung bình 18 - 25 ngày.
       Trứng: 2 – 4 ngày.
       Ấu trùng: 4 - 6 ngày.            
       Tiền nhộng: 1 – 2 ngày.            
        Nhộng: 1 – 2 ngày.            
       Trưởng thành: 10 – 11 ngày.
 Biện pháp phòng trừ.
- Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt. Trong mùa khô nóng, tưới đều đặn bằng cách phun mưa để cho ruộng dưa ẩm và mát, hạn chế bọ trĩ phát triển.
- Bọ trĩ có sức kháng thuốc mạnh và mau quen thuốc, vì vậy cần dùng các thuốc có tác dụng tiếp xúc mạnh và thay đổi loại thuốc giữa các lần phun. Các thuốc có hiệu quả cao là Confidor, Polytrin, Dragon,… nên phun thuốc đồng loạt cả cánh đồng dưa và bờ cỏ.
 
2/ Bọ dưa Aulacophora similis
 - Bọ dưa gây hại trên nhiều loại cây trồng như dưa hấu, dưa leo, bí xanh, bí đỏ, bầu, …
 - Bọ trưởng thành có cánh cứng màu vàng cam. Con cái đẻ trứng trong đất, trong rơm rạ gần gốc cây, trứng được đẻ thành từng nhóm mỗi nhóm 2 – 5 trứng. Mỗi con cái có thể đẻ 200 trứng. Sâu non dạng con sùng, màu trắng ngà, đầu màu nâu, chân ngực phát triển. Nhộng nằm trong đất có màu nâu nhạt, bên ngoài có lớp kén tơ bao phủ.
 Ấu trùng bọ dưa.
 - Vòng đời trung bình 80 – 130 ngà
         Trứng: 8 – 15 ngày.
        Ấu trùng: 18 – 35 ngày.
        Nhộng: 5 – 14 ngày.
        Thành trùng: 60 – 80 ngày  
 
  Điều kiện phát sinh, gây hại.
 - Bọ dưa phát triển gây hại nhiều vào mùa khô, trên các loại cây dưa hấu, dưa leo, bầu, bí.
 - Bọ trưởng thành hoạt động phá hại vào sáng sớm và chiều tối, ban ngày trời nắng ẩn dưới tán lá hoặc trong đất. Trứng đẻ rải rác trên mặt đất quanh gốc dưa. Sâu non sống và hoá nhộng trong đất.
 - Bọ trưởng thành hại mạnh khi cây dưa còn nhỏ có 4 – 5 lá (dưới 20 ngày tuổi), mật độ bọ cao có thể làm cây dưa trụi hết lá và đọt non, cây dưa phát triển kém hoặc chết. Khi cây dưa lớn, lá có nhiều lông, bọ dưa không phá hoại nữa.
 - Bọ non sống trong đất ăn rễ và cắn gốc cây kể cả khi cây đã lớn, làm cây sinh trưởng kém có thể làm cây héo chết. 
 
 Biện pháp phòng trừ.
 - Dùng vợt xua đuổi để bắt bọ trưởng thành.
 - Có thể bắt bằng tay vào sáng sớm khi cây dưa còn nhỏ, để tránh lây lan sang vụ sau cần thu gom tiêu hủy cây dưa sau mùa thu hoạch, chất thành đống để dẫn dụ bọ dưa tập trung rồi phun thuốc.
 - Rải thuốc sâu dạng hạt như Diaphos 10G, Basudin 10H, Gà nòi 4G, Vicarp 4H, rải quanh gốc dưa trước khi cây ra hoa để diệt sâu non.
 - Khi bọ trưởng thành phát sinh gây hại phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều tối, dùng các loại thuốc như Sherpa, Dragon, Polytrin, Lorsban,…
 
3/ Bọ rùa 28 chấm: Epilachna vigintioctopunctata
 Đặc tính của bọ rùa:
 Bọ rùa 28 chấm gây hại trên nhiều loại cây trồng như cà chua, cà tím, dưa leo, dưa hấu, khổ qua, bầu bí.  Con trưởng thành là 1 loài bọ cánh cứng có hình bán cầu, màu nâu đỏ hoặc vàng với nhiều chấm đen trên lưng. Con trưởng thành có màu nâu đỏ hoặc màu vàng, trên lưng có 28 chấm đen.
 Ấu trùng có màu vàng nhạt và có nhiều gai nhọn trên lưng và hai bên sườn.
Con ấu trùng của bọ rùa 28 chấm:
 
Nhộng hình bầu dục màu vàng nằm dính trên lá, trên thân có lông và nhiều chấm đen.
Nhộng của bọ rùa 28 chấm:
   Đặc điểm gây hại: con ấu trùng và con trưởng thành ăn biểu bì lá, để lại màng mỏng. Nếu mật số bọ rùa cao, lá có thể bị ăn trơ trụi chỉ còn gân chính, làm cây sinh trưởng kém, ruộng dưa sơ xác. Bọ còn ăn trái non, có thể phát hiện những lỗ nông trên bề mặt trái.  Con trưởng thành hoạt động mạnh vào lúc sáng sớm và chiều mát. Bọ rùa đẻ trứng ở mặt dưới lá, trứng được đẻ tập trung thành từng ổ, mỗi ổ từ 10 – 20 trứng, trong suốt thời gian sinh sống bọ rùa cái đẻ từ 200 – 300 trứng.
   Thời gian xuất hiện: Từ khi cây dưa còn nhỏ đến khi có trái. Nhiều nhất khi cây ra hoa, có trái non.
  Vòng đời: 35 – 45 ngày.
         Trứng: 3 – 4 ngày.
         Ấu trùng: 12 – 16 ngày.
         Nhộng: 4 – 5 ngày.
         Trưởng thành: 15 – 20 ngày
  Phòng trị:
    - Ngắt bỏ lá bị hại và lá có nhộng bám, bắt giết bọ non và bọ trưởng thành.
    - Vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt ký chủ phụ, thu dọn tàn dư thực vật, phơi và đốt bỏ.
     - Khi cần thiết có thể dùng thuốc để phun trừ.
 
 4/ Aphids (rầy mềm): Gossypii glover
  Đặc điểm nhận biết.
    Rệp trưởng thành và rệp non cơ thể đều rất nhỏ, hình quả lê trần trụi và mềm, màu vàng nhạt hoặc xanh đen. Rệp sống tập trung thành đám đông ở chồi non và ở mặt dưới lá non từ khi cây có 2 lá mầm đến khi thu hoạch, aphids chích hút nhựa làm cho ngọn dưa chùn lại, cây sinh trưởng kém, mật độ rệp cao có thể làm khô cả lá. Rệp còn là môi giới truyền các loại bệnh virus cho cây dưa.
  Con trưởng thành và ấu trùng của aphis
     Giai đoạn gây hại.
  Rệp xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây và mạnh nhất sau khi cây đậu trái, tán lá rậm rạp.
  Biện pháp phòng trừ.
   - Dùng tay giết rệp, khi rệp phát sinh nhiều phun các thuốc Sherpa, Pyrinex, Fenbis, Polytrin,…
  - Aphids có rất nhiều thiên địch như bọ rùa, dòi, kiến, nhện nấm. Nên chỉ phun thuốc khi nào mật số quá cao ảnh hưởng đến năng suất.
 
5/ Ruồi đục lá: Liriomyza trifoli.
   Đặc điểm nhận biết.
 Ruồi đục lá còn gọi là sâu vẽ bùa gây hại trên nhiều loại cây trồng như dưa hấu, dưa leo, bầu bí, cà chua, đậu nành, đậu xanh, … .
 Con trưởng thành là loài ruồi nhỏ, dài 1,5 – 2,0 mm, màu đen có điểm vàng trên lưng, ngực. Sâu non dạng dòi, dài khoảng 2 mm, màu vàng nhạt hoặc màu trắng kem, mình dẹt không chân. Ấu trùng thường nằm trong đường hầm và chui ra ngoài khi hóa nhộng. Nhộng màu vàng dính trên lá hoặc rơi xuống đất.
  Ruồi trưởng thành hoạt động ban ngày, đẻ trứng trong mô biểu bì mặt trên lá, mỗi con cái có thể đẻ 250 trứng Dòi nở ra đục dưới lớp biểu bì lá thành những đường vòng vèo màu trắng, có thể nhìn thấy con dòi dưới đường đục. Một lá có thể bị nhiều dòi phá hại, nhiều vết đục làm lá bị cháy khô, cây sinh trưởng kém. Sâu thường gây thành dịch vào cuối mùa mưa.
 Con trưởng thành dạng ruồi và ấu trùng dạng dòi:
 
Triệu chứng gây hại của ruồi đục lá:
 
Điều kiện phát sinh, gây hại.
 - Ruồi đục lá thường phát triển mạnh vào mùa nắng.
 - Dòi phá hại từ khi cây mới mọc lá mầm cho đến khi ra hoa, mang trái. Mùa khô cây bị gây hại nặng hơn mùa mưa. Dòi đục lá ăn mô làm giảm diện tích quang hợp, làm cây cằn cỗi, lá rụng sớm. Trên ruộng nếu bị ruồi đục lá gây hại sớm và nặng sẽ làm giảm năng suất cây trồng.
  Vòng đời:
      Trứng: 2 – 4 ngày.
      Ấu trùng: 10 – 12 ngày.
      Nhộng: 5 – 7 ngày.
      Trưởng thành: 1 – 3 ngày.   
  Biện pháp phòng, trừ.
  - Cày bừa phơi đất để diệt cỏ lá rộng là ký chủ phụ của ruồi.
   - Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt để vượt qua tác hại của ruồi, ngắt bỏ các lá bị ruồi hại nặng.
  - Phun thuốc sớm khi ruồi mới phát sinh gây hại bằng các thuốc Trigard, Basudin, Malate, Polytrin…
 
6/ Sâu đất: Agrotis ipsilon.
   Triệu chứng
Sâu xám thường gây hại giai đoạn cây con trên tất cả các loại rau. Loài sâu này thường cắn đứt thân và cành non kéo xuống đất để ăn.
Triệu chứng gây hại của sâu đất:
 
Đặc điểm hình thái:
- Bướm: thân có màu xanh đen, cánh trước màu nâu nhạt hoặc nâu đen, cánh sau trắng có một đường màu đen ở cuối.
- Sâu non màu xám đen hoặc màu nâu xám dọc theo hai bên thân có một dãy đen mờ. Sâu có 3 đôi chân thật và 5 đôi chân giả.
- Nhộng màu xám xanh đến nâu đỏ có 2 gai ở phía sau. 
Thành trùng của sâu đất và ấu trùng của sâu đất:
 
Đặc điểm sinh học và sinh thái:
  - Trứng được đẻ thành ổ ở trong đất hoặc mặt dưới lá, trên thân, trên cỏ và trên tàn dư trong ruộng gần gốc cây chủ. Một con bướm cái có thể đẻ 1.200 trứng trong suốt thời gian sinh sống của nó.
  - Sâu non có 5-6 tuổi, khi đụng vào con sâu chúng cuộn lại giả chết. Ban ngày sâu non ẩn núp ở dưới đất, mặt dưới của lá. Ban đêm sâu non lên mặt đất và cắn ngang thân cây sát mặt đất, làm thân cây bị khuyết hoặc bị cắn đứt.
  - Sâu non có thể gây hại nặng cho cây giống và cây con trên ruộng. Sâu thường xuất hiện vào giai đoạn cây con và gây hại trầm trọng nhất ở những vùng đất nhẹ, đất cát nơi sâu non có thể vùi mình dễ dàng.
   Vòng đời: 37 – 62 ngày,
       Trứng: 4 – 11 ngày.
       Sâu non: 22 – 34 ngày.
       Nhộng: 9 – 13 ngày.
       Bướm: 2 – 4 ngày.
Biện pháp phòng trừ.
  - Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, cày ải phơi đất 2 tuần trước khi trồng.
  - Dẫn nước ngập ruộng trước khi chuẩn bị đất để trồng.
  - Đối với những ruộng có diện tích nhỏ có thể bắt sâu bằng tay.
  - Hạn chế phun thuốc để bảo tồn thiên địch thường xuất hiện trên đồng ruộng như nhện , bọ rùa, ong ký sinh...
  - Dùng bẫy chua ngọt để bẫy bướm (4 phần đường đen + 4 phần dấm +1 phần rượu + 1 phần nước + 1% thuốc).
 - Có thể dùng các loại thuốc để sử lý đất trước khi gieo trồng như Basudin, Diaphos, Regent… 
 
7/ Sâu ăn tạp: Spodoptera litura
 Đặc điểm và hình thái:
 - Thành trùng là 1 loài bướm đêm màu nâu đen, cánh trước có những hình dáng rất phức tạp. Ở 1/3 kể từ gốc cánh có 1 vệt trắng từ mép cánh trước đến giữa cánh. Khi đậu cánh xếp hình mái nhà, vệt sáng tạo trên cánh giống hình chữ V. Cánh sau màu trắng bóng có ánh tím.
- Trứng hình bán cầu được đẻ thành từng ổ ở mặt dưới lá, mỗi ổ từ 50 – 200 trứng và có lớp lông phủ trên ổ trứng. Mỗi con cái có thể đẻ 500 – 2.000 trứng trong suốt thời gian sinh sống của chúng.
  - Ấu trùng mới nở màu xanh nhạt đến tối, có 3 vệt (vệt giữa lưng và 2 vệt phụ lưng) chạy dài từ đầu đến cuối bụng. Trên vạch phụ lưng mỗi đốt xuất hiện 1 vệt đen hình bán nguyêt. Riêng đốt bụng thứ 1 và 8 vệt đen hình bán nguyệt lớn dính liền với phần kia phụ trên thân tạo thành đốm đen => gọi là sâu khoang (loang lỗ).
- Nhộng màu nâu bóng, cuối bụng có 1 cặp gai ngắn.
Thành trùng của sâu ăn tạp, ổ trứng sâu ăn tạp và ấu trùng của sâu ăn tạp :
 Tập quán sinh hoạt:
 - Trưởng thành hoạt động vào chiều tối, ban ngày ẩn nấp trong bụi rậm, cành cây, thường đẻ trứng trên mặt trên của lá.
 - Sâu non mới nở sống tập trung và gậm những biểu mô của lá. Sang tuổi 2 sâu phân tán, xuất hiện 2 đốm đen, chưa có phản ứng với ánh sáng. Tuổi 3 xuất hiện 3 vạch chính, màu sắc sâu non thay đổi và có phản ứng với ánh sáng, phần lớn chúng hoạt động mạnh vào sáng sớm hoặc chiều mát. Khi có ánh sáng mặt trời sâu ẩn ở phía dưới lá hoặc trốn vào đất.
 - Ở tuổi 2-3 sâu có thể ăn lủng lá đục thành những lỗ nhỏ.
 - Tuổi 4-5 có khả năng phá hại mạnh ăn những mảng lá lớn, chừa lại gân chính, đôi khi chừa lại cuống lá, có phản ứng với ánh sáng rất mạnh.
 - Tuổi 6 sâu hoạt động ít, ăn ít, cơ thể ngắn lại. Cuối tuổi 6 sâu không ăn, chui xuống đất, tạo thành nôi và hoá nhộng, đôi khi trong lá khô hoặc tàn dư thực vật.
 Biện pháp phòng trị:
   - Cày bừa phơi đất, diệt nhộng.
   - Dùng tay ngắt bỏ ổ trứng.
   - Dùng bẫy chua ngọt để diệt bướm.
    -Dùng thuốc gốc lân hữu cơ hoặc cúc tổng hợp. Ofunack, Fenvalerate, Polytrin, Oncol, Sumicidin.
 
8/ Sâu ăn lá: Diaphania indica.
  Đặc điểm nhận biết:
 Sâu gây hại chủ yếu trên họ dưa, bầu bí.
 Bướm trưởng thành có thân dài khoảng 10mm, khi đậu cánh xếp hình tam giác có vệt màu trắng ở giữa, mép cánh màu nâu đen. Trứng nhỏ màu trắng nhạt, đẻ rời rạc từng trứng ở mặt dưới lá trên đọt và lá non. Mỗi con cái có thể đẻ 340 – 510 trứng.
Sâu non màu xanh lá cây nhạt, trên lưng có 2 sọc trắng chạy dọc cơ thể. Sâu non tuổi nhỏ ăn biểu bì, lớn lên cắn thủng lá và cạp vỏ trái. Nhộng màu nâu đen thường nằm trong lá cuốn lại.
Thành trùng của sâu ăn lá và ấu trùng của sâu ăn lá:
 
Quy luật phát sinh, gây hại.
 Sâu non thường sống ở đọt và mặt dưới lá non, sâu non thường cuốn lá hoặc kết những lá lại với nhau và nằm bên trong ăn phá. Ở mật độ cao sâu chúng ăn phá sơ xác lá chỉ còn lại gân lá. Sâu phát sinh gây hại từ khi cây còn nhỏ đến khi có trái, nhiều nhất là khi cây bắt đầu ra hoa và có trái non, sâu cạp vỏ trái làm trái xấu xí, mất giá trị thương phẩm.. .
  Vòng đời: 20 – 40 ngày.
       Trứng: 2 – 3 ngày.
       Sâu non: 10 – 18 ngày.
       Nhộng: 8 – 12 ngày.
       Thành trùng: 2 – 3 ngày.
Biện pháp phòng trừ:
  - Thu dọn tàn dư cây sau khi thu hoach.
  - Bắt giết sâu non và nhộng.
  - Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát: Olong 55WP, Biocin 16WP, Cyperin, Vertimex, Sherzol, BT, thời gian cách ly 7-10 ngày.

Đăng nhận xét

- Cảm ơn ban đã xem bài viết các bạn thể để lại góp ý cho blog lớp mình ngày càng hoàn thiện hơn
- Để sử dụng biểu tượng mặt cười bạn bấm ký tự như hướng dẫn ở trên khung nhận xét :P