Tại hội thảo lấy ý kiến các Sở và doanh nghiệp về dự thảo Quy chế quản lý trò chơi trực tuyến (GO) vừa được tổ chức tại Hà Nội, các doanh nghiệp cung cấp game và người chơi chưa thống nhất với quy định giới hạn giờ chơi mà dự thảo đưa ra.
Dự thảo quy định chỉ cho phép đại lý Internet và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GO từ 8h sáng đến 22h hàng ngày; đối với game đơn giản, được cung cấp dịch vụ liên tục 24 giờ/ngày; không cho phép game thủ là học sinh phổ thông lớp 1 đến lớp 12 chơi trong khoảng 8h đến 17h.
Trò chơi thuộc dạng ưu tiên thì có mức giới hạn giờ chơi 5 giờ mỗi ngày, các game còn lại là 3 giờ mỗi ngày.
Doanh nghiệp đề nghị “nới lỏng”
Sẽ không còn cảnh chơi game online sau 22 giờ? Ảnh minh hoạ. |
Ông Lâm Thanh, Giám đốc chiến lược VTC Intecom nêu quan điểm nếu cấm cung cấp dịch vụ sau 22h đến 6h sáng là không hợp lý vì nhiều người họ không có điều kiện chơi game trước 22h. "Vì thế chỉ nên cấm cung cấp dịch vụ sau 22h đối với các đại lý".
Đại diện Asiasoft cũng cho rằng, nếu chúng ta hy vọng đóng cửa lúc 10h đêm là cấm được gamer chơi thì hoàn toàn không đúng vì nếu không chơi game Việt thì họ chơi game nước ngoài. Việc này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước, đồng thời gây khó khăn về mặt kỹ thuật bởi nếu cứ tắt, mở server, chắc chắn có nhiều sự cố xảy ra, gây rắc rối cho cả người chơi và doanh nghiệp.
"Chúng tôi "thỉnh cầu" điều 14 khoản 3, đề nghị tăng số giờ chơi lên 300 phút cho mỗi người chơi mỗi ngày bất kể là game như thế nào".
Ông Lê Hồng Minh, Giám đốc VNG thẳng thắn: quy định giới hạn chỉ được kinh doanh từ 8h đến 22h rõ ràng là mong muốn quản lý đối tượng trẻ em vị thành niên là chính. Tuy nhiên thực tế, 10h đêm có thể nói hầu hết trẻ em đều quay về gia đình, rất ít trẻ em còn ở ngoài. Vì thế, lúc này phải nói tới vai trò của gia đình trong quản lý trẻ em.
Trong khi đó, sau 10h tối vẫn còn rất nhiều đối tượng khác có nhu cầu giải trí. Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp thấy rằng đối tượng khách hàng trưởng thành chiếm số lượng rất nhiều. Nói một cách nghiêm túc, đây là đối tượng doanh nghiệp quan tâm nhất, vì họ có khả năng tài chính để mang lại doanh thu cho doanh nghiệp.
"Theo khảo sát của VNG thì game thứ 3 được chơi phổ biến tại Việt Nam là game nước ngoài. Nếu chúng ta giới hạn giờ chơi sau 22h thì đa phần người chơi sẽ chuyển sang chơi game nước ngoài".
Các cấp quản lý nên tạo ra cơ sở dữ liệu, để tất cả các doanh nghiệp có thể kiểm tra nhân thân người sử dụng các dịch vụ trên Internet, nhằm quản lý tốt nhất, áp dụng hết sức dễ dàng, hiệu quả, ông Minh đề xuất.
Game thủ Bùi Xuân Long “lên tiếng” tại Hội thảo: Tôi thấy quy định giới hạn 5 giờ chơi và cấm thời gian ban đêm đối với những người chơi như chúng tôi là bất công bằng. Như tôi, hàng ngày 8h tôi đi làm, 5 giờ về đến nhà tham gia làm việc gia đình, đến 10 giờ đêm tôi mới có thể ngồi chơi game được mà lúc đấy các anh lại cấm thì chúng tôi không biết chơi cái gì nữa. Nếu cấm các nhà phát hành trong nước, cộng đồng game thủ sẽ chạy sang chơi các game của nhà phát hành nước ngoài.
Cơ quản quản lý muốn xiết chặt
Tuy nhiên, những “lập luận” này đều bị đại diện của Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng và Nghệ An bác bỏ. Họ yêu cầu phải có những điều luật kiểm soát GO chặt chẽ hơn nữa.
Ông Trần Vĩnh Sa, Phó phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin & Truyền thông TP. HCM đề nghị một số giải pháp cứng rắn như: áp dụng tương tự như quản lý thuốc lá, rượu, thậm chí như ma túy đối với GO vì nó có yếu tố gây nghiện; cấm quảng cáo GO dưới mọi hình thức; thẩm định lại những trò chơi đã phát hành để loại bỏ hẳn các trò chơi khiêu dâm, cờ bạc, bạo lực; hạn chế tiến tới không cho phép nhập khẩu GO nước ngoài; tăng mức phạt vì các mức hiện nay chưa đủ mạnh…
"Việc quy định giờ chơi nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế tối đa mặt tiêu cực. Hiện có rất nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên đôi khi quá say mê, bỏ cả ăn cả học để chơi game. Vì vậy quy định buộc doanh nghiệp tắt máy chủ sau 22 giờ nhằm giúp người chơi điều và chỉnh lại hành vi.”
“Nếu như chúng ta không có cái nhìn xa hơn, mà chỉ toàn nhìn thấy vấn đề xấu, thì chắc chắn hiện nay Việt Nam không thể có số lượng người sử dụng Internet 23 triệu, chiếm tỷ lệ 26% dân số. Tuy nhiên, phát triển đi đôi với quản lý, chứ không thể để rơi vào tình trạng mất kiểm soát", Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn phân tích.
Thứ trưởng còn cho biết sắp tới, để quản lý tốt hơn, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an sẽ trình chính phủ việc làm chứng minh thư điện tử cho nhân dân. Từ đó, sẽ kiểm soát mọi hành vi cũng như độ tuổi game thủ khi vào quán Internet.
Để kết luần, Thứ trưởng nhấn mạnh: Trong các văn bản pháp luật, cơ quan soạn thảo bao giờ cũng cố gắng để quy định cụ thể nhất, nhưng chắc cũng có rất nhiều vấn đề khó. Mục tiêu của văn bản này là gắn phát triển với quản lý, quản lý tạo điều kiện cho phát triển, nhưng phát triển trong điều kiện quản lý được.
Dự kiến trong Quý II này, dự thảo sẽ được hoàn chỉnh và báo cáo Thủ tướng chính phủ.
Hiện nay một số kẻ có hành vi chống đối ra Video như sau:
PS: Chính phủ nên cấm hẳn game vì một vài lý do theo mình thấy như sau:
1. Hậu quả xấu do game đem lại là rất lớn
2. Các công ty game như VInagame, VTC kinh doanh không được lành mạnh cho lắm. Ví dụ đảm bảo tài khoản cho các Game thủ là rất kém, khi một game thủ báo cáo bị hack thì chờ sử lý song Acc đó cũng tiêu luôn.
3. Các game kinh doanh phi lợi nhuận thông qua các thẻ nạp, và không giới hạn mức tiền nạp. Nhà nước nên hạn chế số tiền tối đa mỗi game thủ được nạp vào tất cả các game trong 1 tháng là 500.000 đồng thay vì vô tổ chức như hiện nay.
4, Những người chơi game đa số là giới trẻ chưa tự kiếm được tiền do vậy sẽ ảnh hưởng nguy hại đến XH.