14 thg 3, 2012

Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị: Tạo động lực xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai(29/08/2011)

Written By Namkna on 14 thg 3, 2012 | 23:23

Qua 6 năm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị (Khoá IX), Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương này.
Hiệu quả từ Nghị quyết
Ngay sau khi Bộ Chính trị (Khoá IX) ban hành Nghị quyết 37 (NQ 37) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2010; tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân trong quá trình triển khai thực hiện NQ 37 ở địa phương và tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn.
Đặc biệt, địa phương đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch phát triển theo ngành, lĩnh vực đến năm 2020, gắn với việc hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng, xoá đói giảm nghèo… Hơn nữa, việc triển khai thực hiện NQ 37 gắn với việc lồng ghép tốt các nguồn lực trên địa bàn đã đem lại kết quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với mức bình quân đạt 13%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm từ 35,4% (năm 2005) xuống còn 27,9% (năm 2010); công nghiệp - xây dựng tăng từ 26,5% (năm 2005) lên 34,2% (năm 2010).
Với vị trí địa kinh tế, địa chính trị và có vai trò quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Lào Cai đã và đang tích cực khai thác tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, phấn đấu trở thành vùng kinh tế “động lực” của khu vực miền núi phía Bắc và trên hành lang kinh tế này. Bởi vậy, hoạt động thương mại, du lịch và dịch vụ phát triển mạnh mẽ; trong đó phải kể đến kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu tăng bình quân 18,5%/năm; du lịch tăng bình quân 14%/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng trưởng cao với mức tăng bình quân 5 năm là 20,5%/năm.…góp phần tạo bước phát triển mạnh mẽ cho Lào Cai.
Đặc biệt, khu vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn ngày càng phát triển và có nhiều đổi mới. Ông Ma Quang Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết: thông qua việc triển khai thực hiện NQ 37 của Bộ Chính trị đã tạo đà cho xây dựng nông thôn mới, bởi người dân trên địa bàn đã tích cực triển khai mô hình trồng cây lương thực, ăn quả và chăn nuôi theo hướng hàng hoá, tích cực phát triển rừng kinh tế và vùng chế biến nguyên liệu… qua đó, tăng thêm thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân vùng cao.
Theo Sở Giao thông-Vận tải Lào Cai, qua 6 năm thực hiện NQ 37, cùng với việc lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn khiến cho hệ thống giao thông tỉnh Lào Cai có sự phát triển vượt bậc, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là đường giao thông, thuỷ lợi, cấp điện, cấp nước, trường học, chợ được quan tâm đầu tư. Hàng năm tỉnh đã đầu tư từ 65-70% tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho vùng nông thôn, vùng cao. Nhờ đó, đến nay 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 80% số xã có đường cho xe cơ giới đến tất cả các thôn bản; hệ thống thuỷ lợi đã đảm bảo tưới cho trên 86% diện tích ruộng; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm với 77% hộ ở nông thôn được dùng điện; 100% số xã có trạm y tế xã; cơ bản xoá nhà tạm cho hộ nghèo tại khu vực nông thôn; tỷ lệ đói, nghèo hàng năm bình quân giảm 5%, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh được tăng cường và củng cố; hoạt động đối ngoại thu được nhiều kết quả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển. Xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể có nhiều tiến bộ, hệ thống chính trị các cấp được củng cố và tăng cường, trở thành nền tảng vững chắc cho tỉnh Lào Cai phát triển trong giai đoạn tới.
Thêm động lực mới
Mặc dù kinh tế - xã hội của Lào Cai có bước phát triển mạnh mẽ, song đến nay địa phương vẫn thuộc diện tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người mới bằng 65% bình quân của cả nước. Khu vực nông thôn vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần quan tâm như hạ tầng,quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập; hệ thống giao thông từ Lào Cai đi các tỉnh và giao thông nông thôn chậm được cải tạo, nâng cấp; thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại lớn về sản xuất, người và tài sản của nhân dân...khiến cho đời sống của một bộ phận đồng bào vùng cao càng thêm khó khăn.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn thôn thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, song chưa đủ mạnh, chưa tạo ra những vùng sản xuất hàng hoá tập trung, qui mô lớn, chưa có các vùng nguyên liệu tập trung để hình thành các cơ sở chế biến tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn, do còn thiếu cả về nhân lực và vật lực. Bởi vậy, rất cần có cơ chế, chính sách đồng bộ và phù hợp với điều kiện của một tỉnh có địa hình phức tạp như Lào Cai; đặc biệt là chính sách tăng cường đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và dân tộc thiểu số như thời gian qua đã tạo điều kiện, thời cơ mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn..Nhìn lại giai đoạn 2005-2010, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt trên 25 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn lực xã hội và nguồn lực khác đạt 15,2 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 58% tổng vốn đầu tư; nguồn vốn từ đầu tư từ ngân sách Trung ương chiếm trên 37% tổng vốn đầu tư. Với hiệu quả tích cực từ một chính sách đúng đắn, NQ 37 rất cần được tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tới; tuy nhiên, cần nâng mức vốn hỗ trợ có mục tiêu thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 cho các địa phương còn nhiều khó khăn như Lào Cai, bởi nguồn hỗ trợ đầu tư từ Trung ương thời gian qua chưa tương xứng với mục tiêu của NQ 37. Thực hiện được như vậy, mới đủ nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh hơn, giảm bớt khoảng cách về thu nhập với các địa phương khác trong cả nước.
Thực tế cho thấy, kết quả sau 6 năm thực hiện NQ 37 của Bộ Chính trị đã góp phần tạo nền móng vững chắc cho tiến trình xây dựng nông thôn Lào Cai mới. Tuy nhiên để tiếp thêm sức mạnh cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai trong giai đoạn hiện nay, rất cần nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; trong đó, tập trung vào việc đảm bảo an ninh nông thôn, đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng theo tiêu chí nông thôn mới, hỗ trợ vốn tín dụng các chương trình đầu tư trên địa bàn miền núi với lãi suất ưu đãi, tích cực nghiên cứu thành công và ứng dụng khoa học – công nghệ trong nông nghiệp…nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao đời sống tinh thần cũng như vật chất cho nông dân, xây dựng thành công nông thôn mới và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng cân bằng, xóa dần khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đăng nhận xét

- Cảm ơn ban đã xem bài viết các bạn thể để lại góp ý cho blog lớp mình ngày càng hoàn thiện hơn
- Để sử dụng biểu tượng mặt cười bạn bấm ký tự như hướng dẫn ở trên khung nhận xét :P