8 thg 10, 2011

Ðể phát triển nông nghiệp bền vững

Written By Namkna on 8 thg 10, 2011 | 22:44

http://static.baomoi.vn/Uploaded/2011_06_03/45/6385728.jpg
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng ba tháng đầu năm nay, phần lớn các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản xuất khẩu đều tăng cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng tháng 3 tăng thêm 1,8 tỷ USD, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản quý I năm 2011 ước đạt 5,4 tỷ USD, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2010. Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 3,3 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong quý I ngành nông nghiệp đã xuất siêu gần 2,1 tỷ USD.
Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện mọi biện pháp quyết liệt để giảm nhập siêu cả về số lượng tuyệt đối và tỷ lệ so với tổng kim ngạch nhập khẩu thì 'sự kiện' nông nghiệp xuất siêu không chỉ khẳng định chỗ đứng của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, mà quan trọng hơn, sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đã góp phần giảm nhập siêu chung của cả nước. Thành quả này trước hết thuộc về những nông dân đang ngày đêm lăn lộn trên đồng ruộng, trang trại, bám biển, bám bờ nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Ðó cũng là những nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, xuất khẩu đã biến những sản phẩm nông, lâm,  thủy, hải sản thành những sản phẩm có giá trị, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.
Dự báo trong thời gian tới nhu cầu nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy, hải sản của Việt Nam trên thị trường thế giới còn tăng. Ðây là cơ hội để ngành nông nghiệp có thể phát triển bền vững, đồng thời góp phần quan trọng phát triển nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Do đó bên cạnh việc quan tâm hơn nữa đến nông dân - những người trực tiếp làm ra các sản phẩm nông nghiệp, cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp phát triển. Nhất là giúp doanh nghiệp hoạt động quản lý, kinh doanh nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng hơn. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện hơn 90% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng. Do quy mô nhỏ, vốn ít cho nên nhiều doanh nghiệp bị hạn chế trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chịu nhiều rủi ro cho nên các doanh nghiệp này khó thu hút vốn đầu tư so với các lĩnh vực khác, cũng như tiếp cận các thị trường trong nước và ngoài nước, đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách thuê đất, giao đất, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, v.v.
Tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có điều kiện phát triển, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này chính là động lực để sản phẩm nông nghiệp ngày càng hội nhập sâu rộng thị trường quốc tế. Ðó cũng là bước đột phá trong việc nâng cao giá trị sản xuất, xuất khẩu; góp phần kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu.

Đăng nhận xét

- Cảm ơn ban đã xem bài viết các bạn thể để lại góp ý cho blog lớp mình ngày càng hoàn thiện hơn
- Để sử dụng biểu tượng mặt cười bạn bấm ký tự như hướng dẫn ở trên khung nhận xét :P